ads

Slider[Style1]

Style2

Style3[OneLeft]

Style3[OneRight]

Style4

Style5

Kinh nghiệm mua và sử dụng điện thoại ở Nhật

Dù sống ở bất cứ nơi đâu thì điện thoại ngày nay đã trở thành phương tiện hữu dụng vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Với nhiều chức năng tiện lợi như bản đồ, định vị, tra giờ tàu, tra cứu điện thoại… đã gắn liền với cuộc sống con người ngày nay.

Khi sang Nhật Bản. với chính sách “đóng” về viễn thông di động – điện thoại Nhật được thiết kế để không thể sử dụng được ở nước ngoài (trừ các phiên bản quốc tế, các máy có thể unlock) và mạng điện thoại của Nhật cũng được thiết kế để điện thoại nước ngoài không sử dụng được ở Nhật – nên hầu hết chúng ta khi sang Nhật dù muốn hay không đều sẽ phải mua mới điện thoại. Chính vì thế, đi đăng ký một chiếc điện thoại là một trong những điều đầu tiên mà ai sang Nhật cũng cần phải làm sau khi hoàn thành đăng ký các giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng.



Mua điện thoại ở đâu giá rẻ, mua loại nào thích hợp là thắc mắc chung của rất nhiều lao động Việt Nam.

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng ABC tìm hiểu về kinh nghiệm mua và sử dụng điện thoại ở Nhật nhé!

Nếu như ở Việt Nam, để sử dụng điện thoại bạn chỉ cần đến đại lý điện thoại mua một chiếc điện thoại, sau đó đến đại lý sim mua 1 cái sim, lắp vào nhau và nạp tiền bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu… thì ở Nhật, mọi chuyện lại phức tạp hơn nhiều khi bạn không thể mua điện thoại và sim riêng, đồng thời thuê bao cũng phải là thuê bao trả sau (*) và gắn với thẻ lưu trú của bạn.

Đồng thời với chính sách khuyến khích khách hàng mua điện thoại mới – bằng các chương trình khuyến mãi giảm giá máy, tặng máy mới… của nhà phân phối điện thoại, phần lớn khách hàng – cả người Nhật hay người nước ngoài – đều mua điện thoại mới khi đăng ký thuê bao mới hay chuyển mạng, gia hạn hợp đồng.

Nhà mạng khác nhau sẽ cung cấp điện thoại của các hãng khác nhau, chẳng hạn như Softbank chủ yếu phân phối Iphone và Aquos của Sharp, hay Docomo phân phối Samsung, Sony (gần đây Docomo đã bắt đầu phân phối iPhone 6).

1. Những giấy tờ cần thiết

Không giống như khi ở Việt Nam bạn có thể đăng ký hàng chục cái sim rác gọi thoải mái mà không bao giờ phải xuất trình giấy tờ tùy thân gì, và có thể sang nhượng cho sim không vần thủ tục gì, thì ở Nhật khi bạn đăng kí thuê bao điện thoại trả sau thuê bao đó sẽ gắn liền với bạn và bạn phải có giấy tờ chứng minh bản thân (thẻ lưu trú/hộ chiếu/thẻ bảo hiểm…). Đối với người nước ngoài ở Nhật, những giấy tờ cần thiết là:

- Hộ chiếu

- Thẻ ngoại kiều (thẻ lưu trú) (thẻ bạn được cấp ở sân bay khi nhập cảnh)

- Thẻ ATM ngân hàng ở Nhật, hoặc thẻ tín dụng (để trừ tiền cước hằng tháng)

Bạn không nhất thiết phải trả tiền cước tự động qua tài khoản ngân hàng. Nếu các bạn muốn trả bằng tiền mặt, bạn có thể mang hóa đơn (sẽ được gửi đến tận nhà hằng tháng) đến các đại lý của nhà mạng bạn đăng kí hoặc các cửa hàng tiện ích (conbini). Tuy nhiên, nếu các bạn không muốn hàng tháng phải nhớ đem hóa đơn đến tận cửa hàng điện thoại để đóng tiền, thì bạn nên để nhà mạng tự động trừ tiền từ tài khoản. Cách này vừa tiện lợi, lại vừa tiết kiệm hơn (tiền xe cộ, thời gian, tiền xuất và gửi hóa đơn đến nhà….)

Chỉ cần những giấy tờ này, bạn đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại có đăng kí thuê bao Nhật. Việc còn lại là chọn điện thoại và gói cước mong muốn.

Một điều cần lưu ý đối với những bạn dưới 20 tuổi. Do ở Nhật, tuổi trưởng thành là từ 20 tuổi trở lên, cho nên bạn sẽ không thể đứng tên bất kì giấy tờ nào nếu không có sự giám sát của người thân, kể cả việc mua điện thoại. Trong trường hợp này, bạn nên nhờ một người quen trên 20 tuổi đi cùng để có thể kí xác nhận dưới tư cách là người bảo hộ.

2. Những điều cần lưu ý khi chọn nhà mạng

Các nhà mạng phổ biến tại Nhật.

Ở Nhật Bản, có ba ông lớn trong ngành viễn thông. Đó là Docomo, au và Softbank. Chi tiết về chất lượng đường truyền, gói cước sẽ được giới thiệu chi tiết trong bài sau.
Tuy nhiên, khi chọn nhà mạng, những điều cơ bản bạn cần chú ý là:

- Giá cước

- Chất lượng đường truyền

- Các chương trình khuyến mãi

- Nhãn hiệu điện thoại được phân phối

Một ví dụ cụ thể cho bạn dễ hình dung. Năm 2013, nếu bạn muốn mua iPhone 5, bạn phải chọn giữa au và Softbank (vì Docomo không phân phối iPhone). Nhưng nếu bạn muốn chất lượng đường truyền tốt nhất, bạn nên chọn Docomo vì độ phủ sóng rộng và ổn định.

3. Những điều lưu ý khi chọn gói cước

Khi bạn đã chọn được nhà mạng ưng ý, bạn tiếp tục lựa chọn gói cước của nhà mạng đó. Hầu hết các gói cước giữa các nhà mạng không chênh lệch nhau nhiều về giá và các dịch vụ đi kèm. Với một gói cước cơ bản có hòa mạng 4G/LTE, tiền điện thoại bạn phải trả mỗi tháng sẽ bao gồm các khoản:

- Tiền cước cố định hàng tháng

- Tiền cước điện thoại, tin nhắn phát sinh

- Tiền cước sử dụng mạng Internet (tính theo lưu lượng Internet bạn đã sử dụng)

- Tiền trả góp điện thoại (nếu bạn chon trả từng tháng)

- Tiền dịch vụ đi kèm (bảo hiểm, các dịch vụ giá trị gia tăng…)

Có thể bạn sẽ thắc mắc sao mà nhiều loại phí như vậy? Quả thật có rất nhiều thứ tiền, nhưng đi cùng với đó cũng là rất nhiều dạng khuyến mãi. Ví dụ: nếu như bạn là học sinh, bạn có thể hưởng khuyến mãi dành cho học sinh, thường có vào đầu tháng 4. Nếu như bạn chuyển từ nhà mạng này sang nhà mạng khác, bạn cũng có thể được hưởng tiền khuyến mãi (có thể là 1000 yen mỗi tháng) . Ngoài ra, trừ Docomo, hai nhà mạng lớn còn lại là au và Softbank đều cho phép gọi nội mạng miễn phí từ 1:00 đến 21:00, nên bạn cũng không phải quá quan tâm về tiền cước điện thoại nhé.

4. Chuyển mạng và cắt hợp đồng

Một điều mà có thể có nhiều người cũng rất quan tâm, đó là các quy định khi chuyển mạng hay cắt hợp đồng sử dụng. Theo quy định của các nhà mạng hiện nay, khi làm hợp đồng mới hợp đồng sử dụng điện thoại của bạn sẽ có giá trị trong vòng 2 năm, vào tháng hết hạn hợp đồng nếu bạn không liên lạc với nhà mạng yêu cầu cắt hợp đồng thì hợp đồng sẽ được tự động gia hạn thêm 2 năm nữa. Ngoài những ngày trong tháng đó ra, nếu bạn chuyển mạng hay cắt hợp đồng sử dụng bạn sẽ phải trả khoảng 9500 yên (chưa kèm thuế) cho nhà mạng. Đồng thời nếu bạn chuyển mạng hay cắt hợp đồng sử dụng khi hợp đồng chưa được 6 tháng, bạn sẽ phải trả thêm khoảng 21000 – 26000 yên, hoặc bị đưa vào danh sách đen từ chối cung cấp dịch vụ, tùy theo nhà mạng.

Thông thường bạn sẽ chuyển mạng hoặc cắt hợp đồng khi:

a. Thời hạn khuyến mãi giảm cước cho học sinh sinh viên của bạn đã hết:

Ở Nhật thường có các chương trình khuyến mãi giảm tiền điện thoại cho học sinh sinh viên, tuy nhiên chỉ kéo dài 2-3 năm và mỗi người chỉ được hưởng một lần duy nhất. Sau khi hết thời hạn này tiền điện thoại của bạn sẽ tăng lên đáng kể vì khuyến mại đã hết. Tuy nhiên nếu khi đó bạn vẫn chưa tốt nghiệp, bạn vẫn có thể chuyển mạng sang một nhà mạng khác, giữ nguyên số điện thoại, nhưng lại được hưởng tiếp 2-3 năm khuyến mại cho sinh viên của nhà mạng mới, chưa kể chính sách của các nhà mạng “tặng tiền mặt khi thuê bao chuyển mạng từ mạng khác sang”

b. Bạn phải về nước một thời gian dài, hoặc không xác định có quay lại Nhật không:

Một số người cũng đã chọn cách “lặn mất tăm” sau khi từ Nhật về để tránh phải trả số tiền khá lớn khi cắt hợp đồng, tuy nhiên bởi thuê bao là thuê bao trả sau, dù bạn không dùng điện thoại, hóa đơn điện thoại vẫn được tính và gửi cho bạn, và hợp đồng điện thoại vẫn được gia hạn sau mỗi 2 năm, số tiền điện thoại bạn “nợ” chưa trả vẫn tích lũy lại hàng tháng. Sau này nếu có khi nào bạn lại quay lại Nhật, bạn sẽ bị yêu cầu phải trả một số tiền điện thoại khổng lồ trong suốt những năm bạn hoàn toàn không dùng điện thoại.

c. Thời hạn 2 năm hợp đồng của bạn đã hết

Nếu bạn bè bạn đều dùng một mạng điện thoại khác của bạn, khi liên lạc với họ bạn sẽ phải trả tiền cước gọi ngoại mạng, nên bạn muốn chuyển sang cùng mạng điện thoại với các bạn của bạn? Thời điểm kết thúc hợp đồng 2 năm là thời điểm lý tưởng nhất để bạn chuyển mạng, bởi bạn sẽ không mất tiền cắt hợp đồng, đồng thời có thể nhận nhiều ưu đãi từ phía nhà mạng mới khi chuyển mạng giữ nguên số (như nhận tiền mặt, được giảm giá cước, được tặng quà, v.v…)

5. Một mẫu gói cước cơ bản

Giả sử bạn đăng ký điện thoại mới của hãng AU hiện đang có khuyến mãi tặng iPhone 5 miễn phí khi đăng kí thuê bao trong hai năm. Một gói cước đơn giản sẽ có giá tiền phải trả hàng tháng (kể từ tháng thứ hai sau khi đăng ký mới) như sau:

– LTE Plan: + 980 Yen (gói cước sử dụng điện thoại)

– iPhone 5 16 GB: + 2570 Yên (giá máy)

– Khuyến mại giảm giá đối với hợp đồng 2 năm: – 3550 yên (trừ tiền máy hằng tháng và thêm tiền thưởng khi đổi mạng)

– LTE NET: + 315 Yên (cước bắt buộc nếu sử dụng mạng Internet 4G LTE)

– Cước sử dụng mạng Internet không giới hạn + 5460 Yên

– Bảo hiểm Apple: + 366 Yên

Như vậy, khi chọn dùng một chiếc iPhone 5 16GB hợp đồng 2 năm với khuyến mại như trên, mỗi tháng bạn sẽ phải trả tiền điện thoại là 6141 yên, với bảo hiểm cho máy và sử dụng Internet không giới hạn. Đối với tiền cước cuộc gọi, gói cước phổ biến nhất của AU (gói LTE Plan ở trên) sẽ được tính tiền như sau:

– Gọi nội mạng từ 1:00 đến 21:00: Miễn phí

– Gọi nội mạng từ 21:01 đến 0:59: 21 yên cho mỗi 30 giây

– Gọi ngoại mạng: 21 yên cho mỗi 30 giây

– Nhắn tin nội mạng: Miễn phí

– Nhắn tin ngoại mạng: 3.15 yên mỗi tin nhắn.

Do tiền điện thoại phát sinh nếu gọi ngoại mạng hoặc ngoài giờ là khá đắt (nếu quy ra tiền Việt là xấp xỉ 8000 VNĐ một phút) nên nhiều người ưu tiên cách liên lạc qua các app như Line hoặc Viber. Tuy nhiên kể cả trong trường hợp không phát sinh tiền điện thoại, nhắn tin, số tiền bạn phải trả vẫn là khá nhiều với những khoản như: mạng Internet,

(*) Một số nhà mạng cũng cung cấp dịch vụ thuê bao trả trước, nhưng rất hãn hứu và giá cước sử dụng rất đắt, chủ yếu chỉ hướng đến những người ở Nhật trong thời gian ngắn (dưới 6 tháng)

(Nguồn: Tổng hợp)

Những điều bạn không nên làm khi đến Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đặc biệt, bắt nguồn từ những định mức, truyền thống và nghi thức. Bên dưới là 10 bí kíp giúp bạn ứng xử tuyệt vời hơn khi đã yêu mến và muốn du học, du lịch, làm việc, trải nghiệm tại đất nước này.

Không để danh thiếp trong túi quần hoặc nhận chúng bằng một tay.



Người Nhật luôn tự hào với công việc của họ và danh thiếp chính là biểu tượng cho sự tự hào đó, khi nhận danh thiếp từ một ai đó bạn hãy nhận bằng cả 2 tay ngón tay đặt trên các cạnh của thẻ sau đó đặt chúng một cách cẩn thận trong ví hoặc một nơi an toàn để tỏ lòng tôn trọng. Tuyệt đối đừng cho danh thiếp thẳng vào túi quần của bạn.

Không bắt tay khi bạn gặp một ai đó

Đa số người Nhật đều biết rằng thói quen bắt tay gặp gỡ của người phương tây, tuy nhiên biết là một chuyện, chấp nhận lại là chuyện khác, người Nhật cho rằng việc bắt tay khá ngớ ngẩn và không lịch sự. Thay vào việc bắt tay hãy cúi chào một góc khoảng 90 độ khi gặp người mới nếu bạn muốn tỏ rõ sự lịch thiệp và tôn trọng người đối diện. Nếu bạn gặp một người lớn tuổi hoặc có địa vị cao thì một sự cúi người sâu sẽ là sự phù hợp nhất.

Không đi giày vào trong nhà, các văn phòng

Nếu bạn không muốn bị đánh giá là một người thiếu tôn trọng thì đừng mang giày hoặc dép bước vào nhà, hãy cởi bỏ giày, dép để trước cửa và bạn sẽ được dành cho một đôi dép riêng đi trong nhà; nếu không, đi vớ hoặc chân trần là những lựa chọn thích hợp.

Đối với một người mới quen, không nên gọi thẳng tên

Những người quen biết, thân thiết người Nhật thường gọi tên kèm theo hậu tố ví dụ như một người bạn, đồng nghiệp, hay một người mới quen là thay vì gọi tên thì hãy gọi riêng họ kèm hậu tố "san".Đối với người nhỏ tuổi hơn mình thì tùy theo giới tính mà từ đi kèm sẽ thay đổi, với cậu bé là "kun" và cô gái là "chan". Giáo viên hoặc người bề trên nên được gọi là "Sensei". Nếu bạn đang nói chuyện với người có địa vị lớn hoặc quan trọng bạn có thể sử dụng hậu tố "sama" để biểu thị sự tôn trọng.

Đừng ngại húp mì trong khi ăn uống


Nếu ở các nước phương tây ăn uống ồn ào được coi là hành động bất lịch sự thì ở Nhật việc ăn uống phát ra tiếng cho thấy bạn thưởng thức món ăn rất ngon lành và thích thú. Nếu ăn ở nhà hàng, quán ăn, điều này sẽ được các đầu bếp ghi nhận như một lời khen dành cho món họ nấu, cũng như khiến những người xung quanh cảm giác vui vẻ, thoải mái. Do đó, đừng ngại việc húp một bát mì ramen hay udon, thậm chí húp thành tiếng lại càng tốt.

Không uống nước từ đài phun gần những ngôi đền

Ở Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những đài phun nước ở cạnh những ngôi đền. Chúng được dùng để làm sạch tay và miệng của người đến tham quan vì vậy hẳn nhiên bạn đừng sử dụng chúng như một loại nước uống. Trước khi bước vào mảnh đất linh thiêng, bạn nên dùng nước từ những đài phun này để rửa sạch tay, súc miệng và nhổ nó đúng khu vực quy định.

Không nên bước vào phòng tắm công cộng/ suối nước nóng với hình xăm

Bạn sẽ khiến mọi người ở đây ngạc nhiên khi bước vào những phòng tắm công cộng tại Nhật Bản với những hình săm trên cơ thể. Đối với người Nhật, hình xăm có thể được xem như một sự bất kính, hoặc thậm chí họ sẽ xem như bạn có sự liên hệ với các băng đảng xã hội đen...Tuy sự kỳ thị này đang dần thay đổi trong các thành phố lớn, nhưng hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi bước vào những phòng tắm công cộng nếu bạn đang mang trên mình một vài hình xăm.

Không đưa tiền boa

Nếu bạn boa tiền cho một ai đó ở Nhật họ sẽ cảm thấy bối rối và không biết làm gì với chúng. Đôi khi việc vô tình đưa tiền boa sẽ dẫn đến một vài phiền phức không đáng có. Nhân viên nhận tiền boa sẽ cảm thấy có lỗi vì có vẻ như họ đã không làm tốt nhiệm vụ, một vài người còn cho đó là việc làm mất phẩm giá của chính họ. Khi không ai bận tâm về tiền bo, không khí sẽ trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Bạn trả tiền cho đồ ăn của bạn, và người hầu bàn nhận được khoản lương đúng với những gì họ phải và đã làm. Vì vậy đừng sử dụng tiền bo tại Nhật Bản.

Không giữ cửa mở cho người khác

Người Nhật không có thói quen giữ cửa mở cho ai khác thậm chí ngay cả khi đi xe taxi bạn cũng phải tự mở cửa. Vì vậy một người Nhật cũng có thể vô cùng ngạc nhiên khi bạn giữ cửa mở cho họ.

Hi vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho các bạn.

Đón năm mới ở Nhật và các lễ hội đếm ngược và pháo hoa quanh Tokyo

Người Nhật đón Tết bắt đầu từ ngày 01/01 kéo dài đến ngày 03/01. Đón năm mới ở Nhật Bản khá yên tĩnh, trang trọng, dành thời gian cho gia đình, và nó không được đánh dấu bởi những cuộc liên hoan ồn ào, pháo hoa, hay sự kiện đếm ngược. Trong thực tế, hầu hết người Nhật sẽ ở nhà với gia đình (nếu họ không ở Tokyo thì sẽ về quê). Sau những ngày dài bận rộn với công việc, người dân sẽ được nghỉ vài ngày cho nenmatsu nenshi (cuối năm cũ, đầu năm mới). 



1. Trang trí nhà bằng các vật mang lại điềm lành để đón vị thần tài lộc, may mắn và trường thọ.

Dạo quanh Tokyo, bạn sẽ thấy người Nhật trang trí Kadomatsu và treo shimekazari ở cửa hàng, khách sạn,… và không chỉ ở các doanh nghiệp mà họ còn trang trí trước cửa nhà. Kadomatsu được đặt ở lối ra vào, gồm 3 ống tre tươi vát chéo với độ dài khác nhau (tượng trưng cho sự thịnh vượng), cùng một vài cành thông (tượng trưng cho tuổi thọ) và được quấn lại bằng rơm (tượng trưng cho sự kiên định). Họ quan niệm đây là nơi đón vị thần Toshigamisama để chúc phúc cho con người, Kadomatsu thường được đốt sau ngày 15/01. Shimekazari được treo trên cửa ra vào, có ý nghĩa đón tiếp vị thần năm mới và diệt trừ ma quỷ. Shimekazari được làm từ shimenawa (sợi dây thừng xoắn thiêng liêng làm từ rơm), cành thông, cam đắng (tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ giữa thế hệ này tới thế hệ khác), và một số thứ khác.

Ngoài ra còn có phong tục dâng bánh lên các đấng thần linh gọi là kagami mochi, hai chiếc bánh dày tròn xếp chồng lên nhau giống như cái hồ lô và phía trên là 1 quả cam, được đặt ở bàn thờ gia tiên của các gia đình. Vật may mắn khác trong năm mới là hagoita (chiếc vợt gỗ có hình mái chèo được dùng trong một trò chơi vào đầu năm mới của các bé gái có tên Hanetsuki – cầu lông của Nhật Bản, được thiết kế vô cùng công phu) dùng để xua đuổi xui xẻo, đem lại thật nhiều may mắn, và hamaya (mũi tên giúp tránh khỏi mọi cám dỗ và những ý nghĩ xấu xa do ma quỷ xúi giục), hamaya thường chỉ được bán trong đền thờ vào ba ngày đầu tiên của năm mới. Nếu bạn muốn có một chiếc hagoita cho năm mới thì có thể đến chùa Senso-ji ở Asakusa tham dự Lễ hội Hagoita-ichi được tổ chức hàng năm, năm nay diễn ra từ ngày 17-19 tháng 12 (thứ năm đến thứ bảy).

Một số công viên đôi khi sẽ tổ chức xưởng thủ công, ở đó bạn có thể học cách làm Kadomatsu của riêng mình với cách trang trí khác. Một số chi nhánh của Tokyu Hands cũng có thể có các xưởng thủ công như vậy. Hiện không có trang web về các công viên này để thông báo lịch trình về các xưởng thủ công, vì vậy nếu may mắn bạn sẽ có cơ hội tham gia, và với Tokyu Hands thì bạn có thể kiểm tra các thông báo trên trang web của họ (http://happy-event.tokyu-hands.co.jp/index.php).

2. Xem Kouhaku Uta Gassen vào ngày 31.

Một chương trình “truyền thống”, bắt đầu từ năm 1959, đã trở thành truyền thống của các gia đình Nhật Bản vào đêm giao thừa. Phát sóng trên đài NHK từ 19h15 đến 11h45, đúng như tên gọi, đây là cuộc chiến âm nhạc đỏ -trắng giữa 2 đội gồm các nghệ sĩ nổi tiếng và thành công nhất trong năm. Những nghệ sĩ này đều được đài NHK mời, vì vậy được tham gia chương trình được coi là một vinh dự vì nó có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với sự nghiệp của họ. Người quyết định thắng – bại trong cuộc tranh đấu này chính là Ban giám khảo cùng tất cả khán giả của chương trình.

Tỷ suất xem đài của Kouhaku không còn cao như trước đây (những năm 60 và 70) vì nhiều nguyên nhân như sự ra đời của Internet (và có lẽ mọi người quá bận rộn với chiếc điện thoại thông minh!), nhưng chương trình vẫn được đông đảo công chúng ngóng đợi

3. Ăn toshikoshi soba, ozoni và osechi ryori.

Mang lại may mắn là lý do đằng sau nhiều truyền thống năm mới ở Nhật Bản, vì vậy không ngạc nhiên khi có một số món ăn được cho là mang lại may mắn. Ăn mì trường thọ Toshikoshi soba (nghĩa là “năm đã qua”) vào đêm giao thừa với ý nghĩa cắt đứt sự bất hạnh của năm cũ, sợi mì dài tượng trưng cho tuổi thọ và may mắn kéo dài trong năm mới. Trong khi đó, ozoni (súp với bánh mochi) và osechi ryori (gồm vài chục món ăn làm theo thực đơn ngày Tết rất cầu kỳ bày trong một cái hộp nhiều tầng) được ăn trong dịp năm mới. Trừ thành phần cơ bản (mì, dashi và nước tương cho soba toshikoshi và mochi và dashi cho ozoni), thì nguyên liệu của các món ăn này khác nhau giữa các hộ gia đình và khu vực. Osechi ryori thường khá đắt đỏ, nhưng chúng tôi đã có viết về cách mua bộ osechi rẻ hơn ở đây (https://tokyocheapo.com/travel/holidays/osechi-ryori-stingy/) .

4. Joya no kane: Khai chuông giao thừa

Vài phút trước khi sang năm mới, các ngôi chùa ở mỗi địa phương sẽ gióng lên 108 hồi chuông là một phần của một nghi lễ Joya no kane. Tại sao lại là 108 hồi chuông? Theo Phật giáo, con số này tượng trưng cho những ham muốn trần tục gây ra nhiều đau khổ cho con người, gióng lên 108 hồi chuồng để bỏ đi phiền não trong nội tâm, thanh lọc tâm trí và linh hồn mỗi con người. Tại Tokyo, ngôi chùa nổi tiếng với nghi lễ này là chùa Zojo-ji gần Tokyo Tower (cách đi: Ga Onarimon, Ga Daimon, hoặc ga Hamamatsucho) và Chùa Sensoji nằm ở Asakusa. Cả hai thường rất đông đúc, vì thế hãy đến sớm! Bạn cũng không cần lo lắng sẽ lỡ chuyến tàu cuối cùng, bởi tàu điện sẽ chạy suốt đêm vào đêm giao thừa năm mới.

5. Gửi nengajou: Thiệp chúc tết.

Mặc dù nhiều người trẻ không còn gửi thiệp năm mới nữa (thư viết tay nói chung không còn phổ biến nữa), nhưng thực tế là các bưu điện, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng văn phòng phẩm vẫn bán rất nhiều tấm thiệp, cho thấy người dân vẫn gửi thiệp nengajou. Một số gia đình và các doanh nghiệp vẫn gửi nengajou giống như thiệp chúc mừng ngày lễ đặc biệt. Chúng được thiết kế rất đẹp và đáng yêu, và một trong số đó còn kết hợp với sổ xố được bán bởi Japan Post. Người chiến thắng sẽ nhận được một số giải thưởng như tiền mặt (dù thế không kỳ vọng sẽ được nhiều tiền) hoặc đặc sản địa phương. Nếu bạn hay bạn bè của bạn sưu tầm những tấm bưu thiếp, thì nengajou là một tấm thiệp đặc biệt trong dịp năm mới!

6. hatsuhinode: ngắm mặt trời mọc lần đầu tiên của năm.

Bắt đầu năm mới bằng việc dậy sớm và ngắm mặt trời mọc lần đầu tiên của năm! Năm nay, các đài quan sát ở Tokyo Sky Tree và Tòa thị Chính Tokyo đang tổ chức sự kiện hatsuhinode– ngắm mặt trời mọc từ 05h sáng ngày 1 tháng 1. Thật không may, những sự kiện này đều hạn chế số lượng người tham gia (trước đây là 800 người và hiện nay là 600 người), và sẽ được lựa chọn bằng xổ số bắt đầu từ vài tháng trước. Vậy sao lại không đi bộ đường dài leo núi Takao hoặc núi Mitsutoge vào buổi sáng đầu tiên của năm mới nhỉ? Hoặc bạn có thể đi đến Hakone hoặc Izu để ngắm bình minh đầu tiên của năm mới?

7. Hatsumode: Đi lễ đầu năm.

Khởi động năm mới bằng cách cầu mong sự thịnh vượng, bình an và sức khỏe tốt (và bất cứ điều gì khác mà bạn muốn). Hatsumode truyền thống là việc đi thăm các ngôi đền chùa đầu năm từ ngày 1-3 tháng 1. Bất kỳ thời điểm nào sau tuần đầu tiên của tháng 1 sẽ không được coi là hatsumode nữa, dù đó là lần đầu tiên bạn đến viếng chùa trong năm. Đến bất kỳ ngôi chùa hay đền thờ nào cũng được, nhưng những ngôi chùa nổi tiếng ở Tokyo như chùa Senso – ji, chùa Zojo-ji, thần cung Meiji và Đền Kanda Myojin, đặc biệt đông vào những ngày này. Gợi ý của chúng tôi: bỏ qua hàng giờ xếp hàng chờ đợi ở những nơi đó, hãy đến thăm một nơi nhỏ hơn, ở địa phương để bắt đầu năm mới của bạn.

8. Fukubukuro và săn hàng giảm giá năm mới: Mau sắm thả ga!

Fukubukuro có nghĩa là “túi may mắn”, là một túi chứa đầy vật phẩm được chọn ngẫu nhiên mà bạn sẽ không được biết trước trong túi có những gì, giá bán thường sẽ thấp hơn tổng giá thành của từng sản phẩm riêng lẻ trong đó. Đó là một cách thông minh dọn sạch số hàng tồn kho của năm trước và tạo sự bí ẩn, phấn khích với người mua sắm. Đôi khi bạn sẽ không ngờ rằng có thể mua được nhiều sản phẩm với giá hời. Đáng ngạc nhiên là truyền thống lâu đời hơn bạn nghĩ, được bắt đầu bởi các cửa hàng bách hóa Ginza Matsuya từ những năm 1900.

 Nhưng nếu bạn muốn đón tết theo kiểu Tây …

Có vài nơi ở Tokyo sẽ diễn ra sự kiện đếm ngược, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi phần lớn trầm hơn so với sự kiện đếm ngược ở những nơi khác thường có tiệc tùng và biểu diễn kèm theo. Khi hàng chữ số chỉ năm mới bừng sáng trên đỉnh ngọn tháp Tokyo Tower cũng là lúc cả ngàn vạn quả bóng được thả bay lên trời cao. Một số điểm đến khác là đài quan sát ở tòa nhà Sunshine 60 và Namjatown (công viên giải trí trong nhà bên trong Sunshine City) ở khu Ikebukuro, Hanayashiki ở Asakusa, Công viên giải trí Joypolis ở Odaiba (gần trạm Tokyo Teleport ) và Suối nước nóng Oedo Onsen Monogatari (có xe buýt đưa đón miễn phí từ một số trạm như Shinagawa, Tokyo Teleport). Thông thường, bạn chỉ phải trả tiền mua vé vào; không phải thêm phí để tham gia sự kiện đếm ngược. Ngoài ra, trong những năm gần đây, đám đông đã tụ tập tại Giao lộ Shibuya vào đêm giao thừa, vì vậy nếu bạn muốn có một không khí náo nhiệt hơn, hãy đến đây.

Và tất nhiên, các quán bar, hộp đêm và lounges khắp Tokyo sẽ có những bữa tiệc đếm ngược. Nếu bạn đã tiết kiệm tốt trong cả năm và muốn đi chơi tẹt ga, thì có một vài lựa chọn sau:

AgeHa (hộp đêm lớn nhất ở Tokyo) : vé vào cửa thông thường là 4.980 yên.

New York Lounge ở Intercontinental Tokyo Bay cũng tổ chức sự kiện đếm ngược và DJ, giá từ 6.500 yên.

Whistlebump Countdown tại XEX Nihonbashi có giá từ 3000 yên.

Khu vực Shibuya và Roppongi cũng có rất nhiều địa điểm mà bạn có thể thưởng thức một bữa tiệc đếm ngược sống động. Nếu bạn muốn ngắm pháo hoa sau đó thì hãy đến Tokyo Tower. Bên cạnh đó, có vài lựa chọn khác, như sự kiện đếm ngược ở đài quan sát tòa nhà Sunshine 60 ở Ikebukuro. Tại khu vực lân cận Yokohama, bạn có thể ngắm pháo hoa tại Nhà kho gạch đỏ Yokohama hay công viên đại dương Hakkeijima (gần ga Hakkeijima).

(Nguồn: Tổng hợp)

Nhu cầu lao động biết tiếng Nhật đang tăng mạnh

Sẵn sàng trả cả nghìn USD mỗi tháng, các công ty Nhật Bản và công ty chuyên làm ăn với Nhật vẫn khó tìm được lao động biết tiếng Nhật tại Việt Nam.



Tham dự ngày hội tuyển dụng lao động tiếng Nhật cùng với 15 công ty khác tại TP HCM, anh Phan Nghĩa Hiệp – kỹ sư phụ trách hoạt động tuyển dụng của TMA Solutions kỳ vọng có thể tìm được khoảng 50-70 hồ sơ đạt yêu cầu trong tổng số 200 chỗ làm đang tìm người.

Tương tự công ty này, nhiều doanh nghiệp gia công phân mềm trong nước đang ồ ạt tuyển kỹ sư biết tiếng Nhật để tham gia vào các dự án do khách hàng Nhật Bản giao.

“Nhật là một thị trường khá đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng cũng như tiêu chuẩn của họ cũng khắt khe hơn. Ngôn ngữ Nhật thì tại Việt Nam cũng chưa phổ biến như tiếng Anh, nên khá khó tìm”, anh Hiệp chia sẻ.

"Năm nay chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng liên tục trong nhu cầu tuyển dụng chuyên viên tiếng Nhật với hơn 50.000 người tìm việc tiếng Nhật và hơn 700 công việc mới được đăng tuyển hàng tháng trên VietnamWorks.com”, ông Gaku Echizenya cho hay. Khảo sát trên một số trang tuyển dụng, mức lương dành cho các kỹ sư công nghệ thông tin biết tiếng Nhật được chào mời thấp nhất từ 700 đôla mỗi tháng. Phổ biến nhất dao động từ 1.000 đến 1.500 đôla mỗi tháng. Một số vị trí còn sẵn sàng trả 3.000 đôla mỗi tháng. Ông Gaku Echizenya – Giám đốc điều hành của VietnamWorks cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động biết tiếng Nhật vẫn đang tăng nóng tại thị trường Việt Nam.

Theo chia sẻ của giới tuyển dụng công nghệ, các kỹ sư mới ra trường tại Việt Nam có trình độ tiếng Nhật sẵn vẫn thuộc dạng “hàng hiếm”. Hầu hết các công ty hiện phải đi tuyển những lao động đã từng làm việc trong các công ty Nhật hoặc chấp nhận tuyển lao động đáp ứng được chuyên môn để về đào tạo thêm tiếng Nhật.

Không chỉ lĩnh vực công nghệ, với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, các lĩnh vực như: bảo hiểm, xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, truyền thông… cũng đang rộng mở nhiều cơ hội cho người biết tiếng Nhật. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực này, thường các doanh nghiệp lại có quy trình tuyển dụng ngược lại so với ngành công nghệ. Nghĩa là, nhiều công ty chỉ cần ứng viên có trình độ tiếng Nhật đạt yêu cầu mà không cần đòi hỏi chuyên môn trước. Sau khi tuyển dụng, bộ phận đào tạo hoặc cán bộ phụ trách trực tiếp lao động đó sẽ tiến hành huấn luyện về chuyên môn.

Ông Nguyễn Thành Hưng – Trưởng bộ phận đào tạo, tuyển dụng của Acecook Việt Nam nhận định, ngoài khả năng tiếng Nhật và chuyên môn, lao động có ý định tham gia vào công ty Nhật Bản còn phải đặc biệt chú ý đến tác phong và các kỹ năng mềm. Theo đó, việc am hiểu văn hóa quản trị doanh nghiệp của người Nhật, với các đòi hỏi về tư duy tích cực, khả năng thuyết trình, phản biện, hay kỹ năng kiểm soát cảm xúc, sẽ giúp các ứng viên dễ thành công khi ứng tuyển và thăng tiến trong công việc hơn.

(Nguồn: Báo Nhật)

Lưu ý khi đăng ký điện thoại ở Nhật

Khi mới sang Nhật rất nhiều bạn gặp khó khăn khi đi đăng ký điện thoại. Hầu hết các bạn đều là không trực tiếp tới cửa hàng đăng ký mà được trung gian dẫn đi, hoặc photo hồ sơ và sau đó nộp tiền, nhận điện thoại. Đến khi các bạn nhận được giấy báo cước điện thoại hàng tháng mới tá hỏa với số tiền trong hóa đơn. Khi đó thì không liên lạc được với trung gian kia nữa. Sau đây là 3 trường hợp thường gặp nhất.



Không giao giấy tờ cho người quen đăng ký

Trường hợp nguy hiểm nhất là các bạn do tin tưởng người quen nên giao thẻ ngoại kiều và 1 số giấy tờ khác để nhờ đăng ký điện thoại. Giấy tờ của các bạn có thể bị đăng ký nhiều máy nhưng bạn lại chỉ được nhận 1 máy. Khi nhận được hóa đơn lên tới cả chục man, liên lạc với người trung gian thì không liên lạc được hoặc không nhận được lời giải thích hợp lý cũng như cách giải quyết. Đi báo cảnh sát thì không thể giải thích rõ ràng hoặc không chứng minh được mình là người bị hại. Có bạn nghĩ đơn giản là bỏ sim đó đi và đăng ký số điện thoại khác là xong, nhưng không đơn giản như vậy. Ở Nhật Bản, khi bạn đã có hồ sơ nợ mạng thì bạn sẽ không đăng ký được bất kỳ sim nào của 1 trong 3 nhà mạng Docomo, au hay Sofbank nữa.

Hiểu rõ hợp đồng trước khi đăng ký

Trường hợp thứ 2 cũng rất phổ biến là khi đăng ký điện thoại, các bạn không biết rõ về các gói cước, các dịch vụ phát sinh cước phí, và cũng không biết cách để kiểm tra nội dung hợp. Nhân viên cửa hàng và người trung gian đó tự động thêm rất nhiều dịch vụ phí phát sinh cho các bạn, dẫn đến cước phí sử dụng hàng tháng của các bạn có thể lên đến 2 man yên 1 tháng. Có một số nơi thì sẽ giải thích theo kiểu là dịch vụ bắt buộc phải đăng ký. Các bạn không được hưởng quyền lợi từ các dịch vụ đó mà vẫn phải trả tiền hàng tháng do việc sử dụng điện thoại ở Nhật là rất cần thiết. Có những bạn bị cài dịch vụ và không biết cách hủy, bên trung gian cũng vô trách nhiệm hoặc không biết cách hủy các dịch vụ đó, khi kiểm tra trên điện thoại thì các bạn đã sử dụng tới tháng thứ 7, tính tổng số tiền bị thanh toán đã lên đến 5 man yên, tương đương 11 triệu VNĐ.

Trường hợp thứ 3 là các bạn học sinh được người quen dẫn đi đăng ký, bạn đó lại thông qua 1 trung gian khác dẫn đi làm điện thoại. Các bạn vẫn mất số tiền 3 đến 4 man yên để mua điện thoại iPhone 6, do nghĩ là mình đăng ký mới và mua đứt điện thoại với giá rẻ thực chất giá đó là không hề rẻ. Khi cửa hàng kiểm tra điện thoại của các bạn thì mới phát hiện điện thoại của các bạn được đăng ký dưới hình thức chuyển mạng và nhận máy 0 đồng, kèm theo đó khách hàng sẽ không được hưởng khuyến mãi hàng tháng giống như đăng ký mới. Không chỉ vậy, họ còn đăng ký rất nhiều dịch vụ phát sinh cước phí. Trường hợp này tính tổng số tiền các bạn bị mất gồm tiền mua điện thoại ban đầu 3 đến 4 man, tiền khuyến mãi hàng tháng 1.350 yên x 24 tháng và các dịch vụ phát sinh cước khoảng 7.000 yên 1 tháng.

Đến các cửa hàng uy tín để được tư vấn trực tiếp

Các bạn nên trực tiếp đến các cửa hàng uy tín để đăng ký điện thoại. Cần hỏi rõ về gói cước bạn sẽ sử dụng, những vấn đề cần lưu ý. Và khi đăng ký dịch vụ tại các công ty có cửa hàng đại diện, trong quá trình sử dụng có vấn đề gì phát sinh hay cần tư vấn bạn hoàn toàn có thể đến cửa hàng để được nhân viên giải đáp.

Trên đây là một số lưu ý khi đăng ký điện thoại tại Nhật hi vọng sẽ hữu ích đối với bạn.

Kinh nghiệm về xin thủ tục bảo hiểm ở Nhật

Là một du học sinh ở Nhật từ năm 2006 cho đến thời điểm hiện tại mình đã trải qua tổng cộng 9 lần phẫu thuật ở 4 bệnh viện khác nhau trong khu vực Osaka. Suốt thời gian khó khăn vừa đi học vừa nhập viện như vậy mình thực sự đã suy nghĩ nhiều đến những khoản viện phí đắt đỏ tưởng chừng không sao trả nổi. Ngay từ lần nhập viện đầu tiên 3 tuần sau khi sang Nhật, mình đã nghe lời khuyên của sempai tìm hiểu về những chế độ bảo hiểm có thể áp dụng với lưu học sinh ở Nhật mình đã may mắn thoát khỏi áp lực kinh tế đến từ viện phí khi áp dụng các chế độ bảo hiểm ưu đãi này. Mình tin rằng Nhật Bản là một trong những đất nước có chế độ phúc lợi xã hội y tế cộng đồng tốt nhất thế giới và mình rất biết ơn đất nước mặt trời mọc vì những ân huệ đã may mắn được nhận. Sau đây mình xin được giới thiệu với các bạn một số kinh nghiệm thu góp được trong việc tiến hành thủ tục nhận bảo hiểm ở Nhật trong suốt thời gian qua.

Bảo hiểm sức khỏe quốc dân(国民健康保険)

Nếu bạn sử dụng bảo hiểm quốc dân tiếng Nhật thường gọi với tên ngắn gọn là Kokuho(国 保) thì với việc trả tiền bảo hiểm định kỳ hằng tháng bạn sẽ chỉ phải trả 30% tổng chi phí khám chữa bệnh và cũng như khi nhận thuốc. Bạn cần đăng ký tư cách người nước ngoài (外国人登録). bất kể người nước ngoài nào có thời gian lưu trú trên một năm đều đủ điều kiện đăng ký sử dụng loại bảo hiểm này. Riêng đối với các bạn lưu học sinh quốc tế có thời gian lưu trú trên một năm thì việc sử dụng loại bảo hiểm này được xem là một điều bắt buộc. Trong trường hợp này, việc bỏ bảo hiểm xem như là không thể.Hiện tại luật pháp Nhật cho phép những trường hợp khi bạn chỉ ở Nhật không quá 1 năm bạn, kể cả người nhà của lưu học sinh, nghiên cứu sinh sang ở Nhật cũng có cơ hội sử dụng bảo hiểm này với điều kiện phải có giấy tờ chứng thực tư cách lưu trú, bạn cần đến khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区役所の国保窓口)nơi bạn cư ngụ để hỏi về thủ tục đăng ký sử dụng. Các cơ quan này sẽ làm việc vào ngày thường từ 9:00 đến 17:00, nghỉ cuối tuần và ngày lễ. Không cần phải hẹn trước nhưng các bạn có thể yên tâm là sẽ được giải quyết gọn lẹ tại chỗ trong ngày.

Tiền bảo hiểm(保険料)

Mỗi tháng mức đóng tiền bảo hiểm của bạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào quy định của tòa thị chính. Một số chế độ miễn giảm sẽ được áp dụng với bạn tùy thuộc vào một số điều kiện và tư cách lưu trú của bạn, vì vậy bạn cần đến khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区 役所の国保窓口)nơi bạn ở để xin những tư vấn và tiến hành thủ tục cần thiết. Xin các bạn lưu ý là ngay cả khi bạn vừa mới sang nhật không kịp đăng ký sử dụng bảo hiểm, thì tiền bảo hiểm trong những tháng bạn chưa đăng ký sử dụng vẫn phát sinh. Thí dụ: tháng 3 bạn đến nhưng mãi đến tháng 10 bạn mới đăng ký sử dụng thì tiền bảo hiểm sẽ không được tính từ tháng 10 mà là tháng 3.

Thủ tục đăng ký sử dụng(加入手続き)

Hãy đến khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区役所の国保窓口) nơi bạn cư ngụ để tiến hành thủ tục đăng ký sử dụng. Một điều chắc chắn là bạn không phải trả tiền bảo hiểm tại đó nên không cần phải chuẩn bị tiền để thanh toán. Tất cả những gì bạn cần mang là:

1)Passport (hộ chiếu)

2)Giấy tờ tùy thân (thí dụ: thẻ sinh viên hay thẻ người nước ngoài, etc)

Những khoản mục y tế không nằm trong danh mục được hỗ trợ của bảo hiểm sức khỏe quốc dân Bảo hiểm này sẽ không hỗ trợ các trường hợp sau:

1)Phát sinh phụ thu khi dùng phòng chăm sóc riêng, đặc biệt trong thời gian nhập viện

2)Tham gia khám điều trị ở các khoa nha, thẩm mỹ

3)Tiêm phòng

4)Khám sức khỏe tổng quát

5)Đẻ thường

Chú ý: ★Nếu bạn đến bệnh viện hay các cơ sở y tế mà không mang theo thẻ bảo hiểm và đã trả toàn bộ số tiền Trong trường hợp này bạn cần yêu cầu phía bệnh viện cung cấp hóa đơn điều trị(領収書) và giấy khai nội dung chi tiết điều trị (診療内容の明細書). Tiếp theo bạn nộp tại khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区役所の国保窓口)nơi bạn cư ngụ, sau đó 2,3 tháng bạn sẽ nhận được 70% toàn chi phí bạn đã trả. Lưu ý, chế độ chỉ áp dụng cho những trung tâm y tế nằm trong phạm vi bảo hiểm quy định.

Ngoài bảo hiểm sức khỏe quốc dân còn có các dịch vụ hỗ trợ phụ cấp đáng kể khác cần lưu ý

Chế độ điều dưỡng phí cao(高額療養費)

Khi bạn nhập viện hay phải điều trị với chi y tế phí cao, chế độ này cho phép bạn chỉ phải trả một phần phí nhất định trong tổng chi phí tốn kém so với thu nhập phần còn lại sẽ được bảo hiểm quốc dân thanh toán. Tùy theo từng địa phương và thành thị nơi bạn sinh sống phạm vi hỗ trợ sẽ có chút thay đổi, giả dụ như bạn sống ở Mino-shi (Osaka) mà chi phí nhập viện của bạn 1 tháng vừa qua vượt quá con số 80100 yên, nếu bạn đến làm thủ tục xin nhận trợ cấp của chế độ này phần vượt quá 80100 yên chính phủ sẽ giúp bạn quyết toán. Chỉ có điều là không phải tiền lớn cỡ nào cũng sẽ được hỗ trợ hoàn toàn mà sẽ có một phép tính đặc biệt quyết định đến số tiền sau cùng bạn được hỗ trợ. Mọi chi tiết xin các bạn hãy đến khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区 役所の国保窓口)nơi bạn cư ngụ để xin những tư vấn và tiến hành thủ tục cần thiết.




Chế độ thưởng sinh đẻ(出産一時金)

Khi sinh đẻ bình thường dù không nhận được bảo hiểm nhưng với chế độ này thì cứ mỗi một bé chào đời thì bạn sẽ nhận từ bảo hiểm quốc dân số tiền hỗ trợ là 350.000 yên. Khi mang thai từ ngày 85 trở lên thì dù có bị đẻ non hay thậm chí là sẩy thai thì bạn vẫn được nhận số tiền này. Mọi chi tiết xin các bạn hãy đến khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区役所の 国保窓口)nơi bạn ở cư ngụ để xin những tư vấn và tiến hành thủ tục cần thiết.

Chế độ điều trị hải ngoại (海外療養費)

Khi bạn đang sử dụng bảo hiểm sức khỏe quốc dân và trả tiền bảo hiểm đầy đủ hằng tháng thì dù bạn có gặp vấn đề gì rắc rối về sức khỏe ở nước ngoài mà được điều trị bằng liệu pháp được chấp nhận tại Nhật thì bạn vẫn được nhận một khoản tiền bảo hiểm nhất định. Theo đó, khi ở nước ngoài bạn cần phải trả toàn bộ chi phí điều trị trước, yêu cầu bên phía bệnh viện ở nước ngoài cung cấp cho mình hóa đơn thanh toán viện phí và giấy chứng thực nội dung điều trị ( càng chi tiết càng tốt). Khi trở lại Nhật bạn hãy nộp ở khu phụ trách chính sách bảo hiểm ở tòa thị chính (市役所・区 役所の国保窓口)nơi bạn cư ngụ để xin những tư vấn và tiến hành thủ tục cần thiết, số tiền nhận được sẽ được tính theo một công thức áp dụng cho 70% tổng số tiền viện phí bạn đã trả ở nước ngoài. Cần phải lưu ý rằng chỉ những hình thức điều trị được chấp nhận ở Nhật hay bạn sang nước ngoài không phải với mục đích để phẫu thuật hay nhận điều trị thì mới là đối tượng được áp dụng của chế độ này.

(Nguồn: Isenpai)

Lấy bằng lái xe máy dưới 50cc ở Nhật

Với nhiều bạn, việc sở hữu bằng lái xe dưới 50cc (gentsuki) ở Nhật sẽ rất tiện cho công việc làm thêm hay đi lại mà chi phí không hề quá cao nếu so với các loại bằng lái xe khác. Việc lấy bằng lái xe loại dưới 50cc ở Nhật cũng không hề quá khó kể cả nếu bạn thi lấy bằng trực tiếp ở Nhật hay đi đổi bằng lái từ Việt Nam sang.



I. Thi bằng lái tại Nhật 

Việc thi lấy bằng lái ở Nhật không quá khó và chi phí cũng tương đương với việc dịch và đổi bằng lái từ Việt Nam. Nếu thuận lợi thì bạn có thể lấy bằng chỉ trong một ngày.

1. Điều kiện

Lớn hơn 16 tuổi.

2. Giấy tờ cần chuẩn bị

a. 住民票 – Juuminhyou (Phiếu công dân, lấy tại Shiyakusho, bản không in mã số My Number)
b. Đơn xin lấy bằng lái (Lấy tại địa điểm thi)
c. Phiếu thi (Lấy tại địa điểm thi, dán ảnh 3×2.4)
d. Mang theo thẻ người nước ngoài khi đến trường thi.

3. Chi phí

Phí thi lý thuyết luật: 1500 yên (Nếu thi trượt thì mỗi lần thi lại chỉ mất thêm 1500 yên này)
Phí khoá học lái xe bắt buộc trong 3 tiếng: 4200 yên
Phí cấp bằng: 2050 yên

4. Thủ tục

Tuỳ vào trường lấy bằng lái mà thứ tự có thể thay đổi nhưng cơ bản là bạn phải đến đăng ký từ sáng sớm và điền các thủ tục cần thiết, nếu thi đỗ lý thuyết thì bạn có thể lấy bằng ngay trong buổi chiều.
Sau đó sẽ gồm cả phần sau (thứ tự có thể ngược lại tuỳ từng trung tâm)

a. Học lái sau 3 tiếng bạn sẽ được nhận chứng chỉ học lái có giá trị trong 1 năm, trong 1 năm đó bạn có thể hoàn thành thi lý thuyết thì có thể lấy bằng
b. Thi lý thuyết gồm 44 câu hỏi đúng sai tương đương với 88 điểm cùng 2 câu hỏi trắc nghiệm phân tích tình huống tương đương với 12 điểm. Bạn cần được trên 90 điểm để đỗ, nếu trượt thì bạn phải đi thi lại vào một ngày khác. Có rất nhiều sách luyện thi lý thuyết giá rẻ trên Amazon. Có thể thi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, một số vùng đã cho thi bằng tiếng Việt nhưng bạn nên thi bằng tiếng Nhật vì đề thi dịch ra tiếng nước ngoài khá tệ nên dễ hiểu nhầm và sách luyện thi bằng tiếng nước ngoài cực hiếm và đắt đỏ.
c. Kiểm tra thị lực
Hai mắt phải được từ 5/10 trở lên.

II. Đổi bằng từ Việt Nam

1. Điều kiện
a. Trên 16 tuổi
b. Sống ở Việt Nam trên 3 tháng sau khi bằng được cấp
2. Giấy tờ
a. 住民票 – Juuminhyou (Phiếu công dân, lấy tại Shiyakusho, bản không in mã số My Number)
b. Đơn xin lấy bằng lái(Lấy tại địa điểm thi, dán ảnh 3×2.4)
c. Bằng lái ở Việt Nam được dịch ra tiếng Nhật bởi đại sứ quán, lãnh sứ quán hoặc Hiệp hội ô tô xe máy Nhật Bản (JAF). nếu trên bằng không ghi rõ ngày tháng cấp cần có hồ sơ xác nhận ngày tháng cấp bằng. (Hãy liên hệ trước với trường dạy bằng lái ở chỗ bạn về giấy tờ liên quan ở mục này nhé)
d. Giấy tờ chứng nhận đã sống ở Việt Nam tối thiểu 3 tháng sau khi lấy bằng. (Hộ chiếu)
e. Mang theo thẻ người nước ngoài.

3. Chi phí

Phí thi lý thuyết: 1500 yên
Phí cấp bằng: 2050 yên
Nhớ tính thêm các khoản phí dịch tài liệu tầm 3000 yên trở lên.

4. Thủ tục

a. Dịch bằng lái và hồ sơ
b. Đến trung tâm thi bằng lái để làm đơn xin đổi bằng
c. Kiểm tra thị lực
d. Thi lý thuyết gồm 10 câu hỏi và cần trả lời đúng trên 7 câu để đậu. Có thể thi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Có vùng có thể thi bằng tiếng Việt. (Liên hệ với trung tâm thi bằng lái trước nhé)

Danh sách các trường thi bằng lái: http://www.menkyo.car-u.co.jp/zenkoku.html

Danh sách các trung tâm của JAF: http://www.jaf.or.jp/inter/entrust/index_e.htm

Đăng ký dịch bằng qua JAF:



(Nguồn: Isenpai)

Đôi nét về tỉnh Aomori, chốn thần tiên của xứ sở Phù tang

Aomori là một tỉnh của Nhật Bản, thuộc vùng Tohoku với thủ phủ là thành phố có cùng tên Aomori. Khu vực này tập trung khá nhiều lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong các ngành nghề chế biến thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp...cũng như rất đông các bạn du học sinh đang học tập và làm việc.

Aomori Nhật Bản nổi tiếng với nền nông nghiệp phát triển, tập trung nhiều lao động Việt đang làm việc tại đây.



Bạn đọc quan tâm tới chương trình xuất khẩu lao động làm việc tại tỉnh Aomori - Nhật Bản có thể liên hệ trực tiếp với ABC để được tư vấn chi tiết về các đơn hàng tại Aomori.

Đôi nét về tỉnh Aomori các bạn lao động nên biết

Khí hậu tại tỉnh Aomori

Vị trí địa lý nằm ở phía bắc Nhật Bản nên khí hậu của Aomori gần như luôn duy trì ở mức nhiệt độ thấp và lạnh lẽo. Vào mùa đông tại đây luôn có tuyết rơi khá dày và có thể nói là tuyết nặng hạt nhất trong các thành phố Nhật Bản. 

Vào mùa hè, thì khí hậu của Aomori mát mẻ hơn. Nhưng, lớp sương mù dày đặc cũng thường xuất hiện ở vùng núi. Chính vì lớp sương mù này mà rất nhiều chuyến bay tới sân bay Aomori thường bị huỷ bỏ.

Bởi Vậy!

Bạn nào mà không chịu được thời tiết giá lạnh, mùa đông hay bị cước tay, cước chân thì không nên chọn các đơn hàng làm việc tại Aomori thay vào đó có thể tham gia làm việc tại các tỉnh ở phía nam Nhận Bản bởi thời tiết ở các khu vực này sẽ dễ chịu hơn nhiều và khá tương đồng với khí hậu Việt Nam.

Giao thông tại Aomori

Tỉnh có sân bay quốc tế Aomori, có 14 ga của 3 tuyến đường sắt đô thị trong đó ga chính là Hachinohe liên kết cả 3 tuyến và có shinkansen đỗ.
Giao thông hết sức thuận lợi trong việc di chuyển qua lại giữa các vùng phụ cận cũng như các khu vực khác của Nhật Bản.

Cảnh quan

Nổi tiếng với những di tích, bảo tàng và những dãy núi...là những địa điểm đặc biệt thu hút du khách đến với Aomori. Aomori sở hữu cảnh quan tuyệt đẹp và phong phú tựa chốn thần tiên của đất nước mặt trời mọc. Quang cảnh tuyệt trần nơi đây đã làm đắm say biết bao du khách.



Inakadate là một ngôi làng nhỏ ở quận Aomori, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn du khách bởi những sáng tạo nghệ thuật độc đáo trên chính những cánh đồng của họ

Người dân tạo nên những bức vẽ khổng lồ trên các cánh đồng bằng việc trồng xen kẽ các loại lúa khác nhau

Nếu bạn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Aomori Nhật Bản thì chắc chắn không thể bỏ qua thiên đường tuyệt đẹp này.

(Nguồn: Sưu tầm)

Học từ vựng tiếng Nhật về tính cách con người

Hôm nay, chúng ta cùng học các từ vựng tiếng Nhật về tính cách con người nhé!



親切(しんせつ): Ân cần
優しい(やさしい): Chu đáo, tốt bụng
厳しい(きびしい): Nghiêm khắc, khó tính
冷たい(つめたい): Lạnh lùng
真面目(まじめ): Đàng hoàng, chăm chỉ
賢い(かしこい): Giỏi giang, thông minh
偉い(えらい): Vĩ đại, đáng nể, giỏi
たくましい: Mạnh mẽ
勇ましい(いさましい): Dũng cảm
勤勉(きんべん): Cần cù
几帳面(きちょうめん): Nguyên tắc, kĩ càng
怠惰(たいだ): Lười nhác
きちっとした: Cầu toàn
いい加減(いいかげん): Cẩu thả, vô trách nhiệm
時間にルーズ(じかんにルーズ): Hay trễ giờ
謙虚(けんきょ): Khiêm nhường
素直(すなお): Hiền lành, ngoan ngoãn
融通(ゆうず): Linh hoạt, thuận theo chiều gió
頑固(がんこ): Ngoan cố
寛容(かんよう): Khoan dung
温和(おんわ): Ôn hoà
冷淡(れいたん): Lạnh nhạt
気さく(きさく): Hoà đồng, dễ gần
質素(しっそ): Cần kiệm
だらしない: Cẩu thả (trong ăn mặc)
汚らわしい(けがらわしい): Dơ bẩn
馴れ馴れしい(なれなれしい): Thân thiết quá mức
臆病(おくびょう): Nhút nhát
せっかち: Hấp tấp
無邪気(むじゃき): Hồn nhiên, ngây thơ
大らか(おおらか): Rộng lượng, thoáng tính, không khách sáo
軽率(けいそつ): Xem nhẹ, cẩu thả, khinh xuát (trong công việc)
みすぼらしい: Nhếch nhác (về hình thức)
気が短い(きがみじかい): Nóng nảy
わがまま: Bảo thủ, cái tôi lớn

(Nguồn: Isenpai)

5 bí quyết học từ vựng tiếng Nhật siêu dễ

Đối với người học ngoại ngữ, từ vựng là vấn đề rất dễ khiến các bạn nản lòng. Nhiều học viên thắc mắc tại sao họ không thể nhớ được các từ vừa học, mặc dù đã viết đi viết lại nhiều lần. Đặc biệt với việc học tiếng Nhật thì các từ vựng là cực kỳ khó nhớ. Dưới đây là những mẹo nhỏ sẽ giúp bạn học từ vựng tốt hơn.



1. Học những từ có liên quan đến nhau

Những từ liên quan với nhau thường cùng xuất hiện và sẽ dễ hơn khi nhớ chúng chung với nhau.

2. Học từ vựng theo chủ đề yêu thích

Nếu bạn quan tâm và yêu thích một chủ đề nào đó, bạn sẽ có nhiều hứng thú học từ tiếng Anh hơn. Chẳng hạn bạn quan tâm đến các món ăn, hãy đọc hoặc xem nhiều tài liệu về chủ đề này này. Nếu bạn không biết diễn đạt các nguyên liệu nấu ăn trong tiếng Anh, Nhật, Hàn ra sao thì hãy nhanh chóng tìm kiếm, tra cứu từ ngữ bạn muốn diễn tả, điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ nhanh hơn.

3. Ghi chú trong sổ tay

Ghi lại những từ bạn cảm thấy hữu ích và muốn áp dụng trong một cuốn sổ tay nhỏ, bạn sẽ xây dựng được một kho từ vựng phong phú. Hãy mang cuốn sổ này bên người và xem lại bất cứ lúc nào rảnh rỗi.

4. Luyện từ mới khi viết luận

Hãy cố sử dụng từ mới khi đặt câu và viết luận, đừng cố bám vào những từ quá đơn giản và phổ biến vì việc này có thể khiến chính bạn cảm thấy nhàm chán. Nếu không sử dụng từ mới, bạn sẽ nhanh chóng quên lãng và cảm thấy “hoang mang” khi gặp một từ có vẻ quen nhưng lại không thể nhớ ra nghĩa.

5. Luyện tập từ mới ngay khi học ngữ pháp

Đừng lãng phí cơ hội để gợi nhắc vốn từ bạn đã học. Khi làm bài tập với ngữ pháp, bạn nên tra từ để hiểu nghĩa của câu. Việc làm này khiến bạn làm quen dần với các từ mới, tăng khả năng ghi nhớ từ vựng.

Chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm học kanji của chúng tôi, các bạn tham khảo nhé:

Học Kanji đầu tiên là trong tư tưởng không được vội

Bước 1::::: in danh sách bạn kanji cần học ra.

Bước 2::::: bạn nên đọc âm Hán việt và nhìn chữ kanji (không cần thuộc)

Mỗi ngày đọc 5 lần cũng được (mỗi ngày 1 trang) và tăng dần

Bước 3:::::: cứ cầm danh sách mà đọc (đọc như đọc kinh vậy, không cần thuộc nhưng đọc hoài ắt sẽ tự thuộc theo kiểu mưa dầm thấm đất)

Bước 4:::::bạn đọc hoài sẽ phát hiện ra những chữ Hán việt giống nhau or là gần âm với nhau sẽ có chữ or bộ giống nhau {{{{nhớ là không cần học viết}}}}

Bước 5::::::tự nghiên cứu ra quy luật chuyển từ Hán việt sang Hán Nhật (âm On)

Bước 6:::::: Học âm Kun

Như vậy bạn nhìn vào hán việt bạn đã chuyển sang được rồi cách học này khoảng 3 tháng bạn thuộc khoảng 2000 từ và tự chuyển thành thạo nhé.

Chúc bạn học tốt tiếng Nhật!

Những mẹo tiết kiệm chi phí khi sống tại Nhật

Trong bài viết hôm nay, ABC sẽ gửi đến các bạn một số mẹo tiết kiệm khi sống ở Nhật, cùng tìm hiểu nhé!



Cách để tiết kiệm khi mua sắm những vật dụng hàng ngày khác?

1. Cửa hàng 100 yên

Điều đầu tiên bạn cần biết khi tới Nhật là cửa hàng 100 yên gần nhất nằm ở đâu rồi làm một cuộc “càn quét” trong đó tìm mua những vật dụng bạn cần cho cuộc sống hàng ngày. Daiso và Seria là hai chuỗi cửa hàng chính theo kiểu này. Hãy truy cập và trang chủ của họ tại, tìm địa chỉ của cửa hàng gần nhất và mua sắm.

2. Thẻ tích điểm

Thẻ tích điểm có thể giúp bạn tiết kiệm tiền về lâu dài, nhưng có quá nhiều thẻ sẽ làm chật cứng ví của bạn.

Thường thì thẻ tích điểm của những cửa hàng bán thuốc và mỹ phẩm không hữu dụng lắm, vì bạn thường phải tích đủ điểm ví dụ như 1 điểm cho 100 yên tiền mua hàng, rồi bạn sẽ nhận lại được 500 yên khi tích đủ 500 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải mua 50,000 yên tiền hàng để tiết kiệm được 500 yên. Theo quan điểm cá nhân tôi thấy việc này không mang lại nhiều ích lợi lắm.

Thay vào đó, hãy cân nhắc việc làm thẻ tích điểm cho các cửa hàng điện tử điện lạnh lớn như Yamada Denki hay Yodobashi Camera. Bạn có thể sẽ phải thường xuyên ghé các cửa hàng này để mua mực in hay là các trang thiết bị phụ tùng nếu bạn không mua hàng qua mạng. Họ sẽ hoàn lại 10% số tiền mua hàng của bạn nên về lâu về dài khá là hữu ích.

3. Hãy suy nghĩ việc mua hàng trên mạng

Thời đại này, bạn có thể mua mọi thứ, bất kì mặt hàng nào trên mạng với giá cực kỳ hợp lý. Một vài trang có thể bạn sẽ muốn thử như là:

– http://kakaku.com/ – trang này đưa ra những so sánh trực tiếp về một món hàng được bán cùng lúc trên nhiều trang bán hàng khác nhau, và giúp bạn đưa ra một lựa chọn mua hàng tốt nhất.

– http://classifieds.gaijinpot.com/ – trang này có đầy những đồ đã sử dụng mà chủ nhân muốn đem bán lại với giá rẻ và thậm chí là miễn phí. Hãy theo dõi, đặc biệt là các dịp Sayonara Sales mà có nhiều người rời Nhật để trở về nước.

– http://nitori-net.jp/ – mua đồ nội thất.

– Các trang Groupon hoặc giống kiểu Groupon, ví dụ như http://groupon.jp/ hay http://ponpare.jp/ . Những trang này có thể mang đến cho bạn những vụ mua bán giá hời về ăn uống, du lịch, mọi thứ, miễn là bạn để ý và chớp lấy những giao dịch hấp dẫn.

– Những trang chính khác, như http://rakuten.co.jp/ và http://qoo10.jp/cũng đáng để ghé thử. Các giao dịch có giá hời hay không cũng còn tùy thuộc vào người bán.

4. Luôn cân nhắc việc mua đồ đã qua sử dụng

Luôn kiểm tra những cửa hàng đồ cũ (リセイクルショップ ) như là 2nd Steet, nơi luôn có bán các loại mặt hàng khác nhau đã qua sử dụng. Recycl-navi cũng là một trang khác liệt kê ra những cửa hàng đồ cũ ở mỗi tỉnh thành khác nhau.

Đối với áo quần, ví dụ như Shimokitazawa (Tokyo) có rất nhiều những cửa hàng bán quần áo cũ. Hãy tìm kiếm những khu chuyên bán quần áo đã sử dụng nếu bạn muốn tiết kiệm tiền.

Bạn cũng có thể săn đồ cũ tại các cửa hàng Bookoff Super Bazaar hoặc các chợ trời tại Nhật.

5. “Săn” những món đồ lưu niệm “độc”

Bạn muốn mua vài món quà nhỏ cho chuyến về thăm nhà? ドンキホーテ(Donkihote – Don Quijote) là một nơi thích hợp. Nếu bạn bước vào một cửa hàng bán toàn những đồ như thế này, thì không thể nhầm được, đó chính là Don Quijote.

Về giao thông, đi lại

Chi phí cho việc di chuyển có thể ngốn một khoản kha khá. Tàu điện ngầm, xe buýt, taxi…tất cả đều tốn kém, thế nên có lẽ bạn muốn tham khảo vài mẹo dưới đây:

1. Xe đạp

Nếu bạn lưu lại Nhật lâu hơn 6 tháng, phương tiện di chuyển này sẽ giúp bạn tiết kiệm khối tiền trừ khi nơi bạn ở cực kì gần với 1 ga tàu thuận tiện. Còn không thì…

– Xe buýt tốn khoảng 200 yên/chuyến. Một phép tính khá đơn giản, nếu có thể bạn nên đạp xe tới bến tàu gần nhất.

– Sở hữu một chiếc xe đạp đồng nghĩa với khu vực bạn có thể lui tới mua sắm sẽ rộng hơn, và như vậy bạn hoàn toàn có thể nua sắm những món hàng rẻ hơn.

– Những kẻ trộm hay phá xe đạp không phổ biến ở Nhật Bản, thế nên bạn sẽ không phải trả thêm những khoản phụ phí ngoài tiền mua xe.

2. 回数券 (Kaisuuken)

Nếu bạn có một lộ trình mà bạn thường xuyên phải đi mà thẻ đi tàu/thẻ sinh viên của bạn không bao gồm tuyến đường đó, bạn có thể tham khảo làm vài cái 回数券 (kaisuuken). Hệ thống quản lý tuy khác nhau tùy thuộc vào các công ty khai thác, nhưng một vài công ty (như JR East hay Hankyuu) có thể có vài chế độ đặc biệt ví dụ như mua 11 vé trả tiền 10 vé, hoặc một vài công ty khác có thể bán vé đi lại ngoài giờ cao điểm với những mức hạ giá thấp hơn nữa.

Kaisuuken có hạn trong vòng 3 tháng, nên hãy chỉ mua cho những lộ trình mà bạn đi thường xuyên với những tính toán thích hợp. Và nó cũng không được thuận lợi nếu so sánh với thẻ IC vì bạn sẽ phải giữ một xấp vé trong ví nếu bạn mua kaisuuken.

3. Những loại vé đặc biệt (ví dụ như Seishun)

Những khách du lich tới Nhật có thể biết nhiều tới thẻ đi tàu JR Pass cho phép họ thoải mái sử dụng các chuyến tàu JR hay Shinkansen trong một thời gian cố định (thường là 2 tuần). Đáng tiếc là ưu đãi này chỉ áp dụng cho visa du lịch. Nhưng kể cả khi bạn cư trú lâu dài tại Nhật, có vài phương án khác bạn có thể tham khảo để sử dụng:

– Vé đi tàu không giới hạn cho một khu vực nhất định. Ví dụ như những người ở tại Kyoto sẽ có thể dùng loại vé 500 yên để tự do di chuyển trong ngày bằng xe buýt nội thành. JR East thì đưa ra loại thẻ thoải mái đi lại trong 23 quận của Tokyo trong ngày chỉ với 730 yên. Những loại vé này có thể sẽ rất hữu ích nếu bạn phải ghé tới nhiều địa điểm trong 1 ngày.

– Vé Seishun 18 – cực kỳ có lợi nếu bạn muốn ngắm cảnh ở các vùng ngoại ô hoặc lang thang lúc nhàn rỗi. Các bạn có thể tìm thêm thông tin về loại vé này trong các bài viết này.

4. Xe buýt cũng là một lựa chọn không tồi

Đặc biệt là khi bạn cần di chuyển quãng đường xa. Ví dụ, chuyến bus rẻ tiền nhất để đi lại giữa Osaka và Tokyo là khoảng 3500 yên cho một chiều; còn nếu dùng JR (trừ vé Seishun 18) sẽ tốn tận hơn 8000 yên và 9 tiếng đồng hồ nếu bạn chỉ chạy tàu địa phương (local train). Thêm nữa là, khi đi xe buýt bạn sẽ luôn có chỗ ngồi.

Hãng Willer Express là một lựa chọn khá ổn nếu bạn không tự tin vào khả năng tiếng Nhật của mình, còn nếu không, trong mục Travel của Rakuten cũng có vô số những công ty vận tải khác mà bạn có thể tìm kiếm.

5. Hãy tính toán sử dụng đường hàng không nếu quãng đường di chuyển quá dài

Đó là bởi khi phải di chuyển quãng đường quá xa thì

– Số lượng các tuyến xe buýt để chọn lựa sẽ giảm đi. Hơn nữa, ngồi xe buýt liên tục trong 14 tiếng sẽ khiến hành khác cực kỳ mệt mỏi.

– Phí di chuyển bằng tàu sẽ tăng chóng mặt và cũng tốn rất nhiều thời gian.

Nếu quãng đường ngắn thì phương án đi máy bay sẽ bị loại trừ vì các sân bay không thể có nhiều như những bến xe buýt, lại còn đắt đỏ hơn (và thời gian cũng lâu hơn do phải chờ đợi, …)

Các hãng hàng không giá rẻ đáng tin cậy là Peach và Jet Star.

Và hãy tránh sử dụng Shinkansen. Đúng là phương thức này giúp giảm thời gian di chuyển giữa Tokyo và Osaka xuống còn 2 tiếng rưỡi, nhưng nội dung của bài này nhằm vào mục đích để giảm thiểu chi phí cho cuộc sống ở Nhật chứ không phải để lướt nhanh trên đất nước này. Thêm vào đó, một vé xe buýt với một không gian thoải mái chỉ có 2 ghế/hàng chỉ tốn khoảng 10,000 yên cho hành trình Tokyo-Kansai, rẻ hơn rất nhiều nếu bạn đi bằng Shinkansen, hãy nghĩ cho kỹ.

(Mai Phương Tú dịch)

Học từ vựng tiếng Nhật chuyên ngành mộc

Trong bài học hôm nay chúng ta cùng học từ vựng tiếng Nhật chuyên ngành mộc nhé!



Học từ vựng tiếng Nhật chuyên ngành mộc
1. 穴あけ Ana ake Tạo lỗ
2. 安全カバ- Anzen kabā Thiết bị an toàn
3. 圧力 Atsuryoku Áp lực
4. ボーリング Bōringu Đục lỗ
5. 着色 Chakushoku Sự tô mầu
6. チップソー Chippusō Lưỡi cưa đĩa
7. 直角 Chokkaku Thước vuông, thước đo góc
8. 丁番 Chōtsugai Bản lề
9. だぼ接合 Dabo setsugō Mộng tròn
10. 台輪 Daiwa Bệ đẩy
11. 胴付き Dōzuki Đầu mộng
12.胴付きのこ Dōzuki noko Đầu mộng gá
13. ドライバ Doraiba Tô lô vít
14. エアカッター Eakattā Bàn dao cắt bằng hơi
15. フラッシュ構造 Furasshu kōzō Cấu tạo đèn nháy
16. 不良品 Furyōhin Sản phẩm lỗi
17. 節 Fushi Mắt gỗ
18. 含水率 Gansui ritsu Tỷ lệ hút nước
19. ガラス戸 Garasu do Cửa kính
20. げんのう Gennō Các loại búa
21. 原寸図 Gensunzu Bản vẽ gốc, kích thước đầy đủ
22. 合板 Gōhan Gỗ dán
23. 巾 Haba Kích thước
24. 羽目板 Hameita Ván sàn
25. 刃物 Hamono Lưỡi bào
26. 平面削り Heimen kezuri Bào mặt phẳng
27. 引き違い戸 Hiki chigaido Cửa đẩy ngang
28. 引き出し Hikidashi Ngăn kéo
29. 引き戸 Hikido Cửa đẩy ngang
30. ヒンジ Hinji Bản lề xoay
31. 品質 Hinshitsu Chất lượng
32. 平かんな Hirakanna Bào tay
33. 開き戸 Hirakido Cửa mở
34. 保管 Hokan Bảo quản, kho
35. 方立 Hōdate Mặt thẳng đứng
36. 保守点検 Hoshu tenken Kiểm tra …
37. ほぞ Hozo Đầu mộng
38. ほぞ取り盤 Hozotoriban Máy đánh các đường tạo hình
39. 表面 Hyōmen Mặt ngoài
40. 板目 Itame Vân gỗ
41. 板材 Itazai Tấm gỗ
42. 地板 Ji ita Ván sàn
43. 自動一面かんな盤 Jidō ichimen kannaban Máy quấn gầm 2 mặt
44. 治具 Jigu Góc đỡ tủ
45. 定規 Jōgi Thước kẻ
46. 回転方向 Kaiten hōkō Hướng chuyển động
47. 加工 Kakō Gia công
48. 角のみ盤 Kaku nomiban Bàn đục tạo góc
49. 角度 Kakudo Góc độ50. 角材 Kakuzai Thanh gỗ
51. 鴨居 Kamoi Khuôn cửa
52. 金槌 Kanazuchi Cái búa
53. 鉋 Kanna Cái bào
54. かんな刃 Kannaba Lưỡi bào
55. かんな刃研削盤 Kannaba kensakuban Bàn mài lưỡi bào

Chúc các bạn học tốt tiếng Nhật

Nguồn: Sưu tầm

Năm điều bạn có thể làm ở Nhật Bản

Du học Nhật Bản là cơ hội tuyệt vời để bạn khám phá đất nước giàu văn hóa truyền thống nhưng không kém phần hiện đại này. Nhật Bản là một quốc gia có nhiều nét văn hóa đặc sắc cũng như nhiều điều thú vị để trải nghiệm. Sau đây là một số hoạt động bạn có thể tham khảo để bắt đầu hành trình khám phá đất nước độc đáo này.



Tham quan đền thờ Phật giáo tại Kyoto

Thành phố Kyoto sở hữu nhiều ngôi đền Phật giáo xinh đẹp. Cách tốt nhất để khám phá cảnh quan tuyệt đẹp của thành phố này là thuê một chiếc xe đạp rồi dạo vòng quanh thành phố và ngắm nhìn nhiều công trình tôn giáo khác nhau. Những địa điểm nổi bật ở Kyoto có thể kể đến như nhà nguyện Fushimi Inari-taisha, đền thờ Kiyomizu-dera, lâu đài Nijo và nhiều nơi khác đang chờ bạn đến tự khám phá.

Đi chợ cá Tsukjiki ở Tokyo

Nếu bạn là người có thói quen dậy sớm thì nơi thú vị nhất bạn có thể ghé vào lúc 5 giờ rưỡi sáng ở Tokyo là chợ cá Tsukjiki. Chợ cá này là một trong những chợ cá lớn nhất thế giới và có bán món sushi ngon nhất mà bạn từng được ăn. Ngoài việc chuyên bán những loại cá tươi sống thì chợ cũng có bán nhiều sản phẩm đóng hộp ăn liền và có nhiều quầy thức ăn địa phương. Nếu bạn cảm thấy khu vực chợ trong nhà hơi nồng mùi cá thì bạn có thể dạo vòng quanh khu chợ ngoài trời cũng rất hay.

Thử sử dụng Shinkansen – hệ thống tàu điện tốc độ cao của Nhật Bản

Các hòn đào ở Nhật Bản được liên kết với nhau bởi hệ thống tàu điện tốc độ cao có tên là Shinkansen, một trong những hệ thống tàu điện nhanh nhất trên toàn thế giới. Loại tàu này có thể đạt được vận tốc lên đến 320km một giờ và sẽ cho hành khách một trải nghiệm độc đáo khi sử dụng. Loại hình tàu điện này thực sự là một phương thức di chuyển hiệu quả và tiết kiệm để du lịch vòng quanh Nhật Bản. Tất nhiên, bạn cũng có thể dùng tàu điện này để đi từ Kyoto đén Tokyo.

Hát Karaoke

Hát karaoke là một hình thức giải trí phổ biến mang đậm nét văn hóa Nhật Bản dành cho cả người địa phương lẫn khách du lịch. Không khó để tìm được quán karaoke ở Nhật Bản nhưng thường thì mọi người sẽ thuê phòng theo nhóm. Bạn sẽ thấy phòng hát karaoke ở Nhật được trang bị mọi dụng cụ cần thiết để phục vụ việc ca hát giải trí. Thông thường, mọi người có thể mua đồ uống và thức ăn ngay tại chỗ rồi ca hát.

Tham quan núi Phú Sĩ

Được biết đến là ngọn núi lớn nhất Nhật Bản và là núi lửa còn hoạt động (mặc dù lần nham thạch phun trào gần nhất là vào năm 1707), núi Phú Sĩ chính là biểu tượng của nền văn hóa và tôn giáo của quốc gia này. Dù bạn chỉ muốn nhìn ngọn núi hùng vĩ này từ xa hay chọn leo lên đến đỉnh thì núi Phú Sĩ cũng sẽ khiến bạn trầm trồ và yêu thích.

Núi Phú Sĩ có một lịch sử lâu đời và phong phú. Ngọn núi này thực chất được hình thành từ ba ngọn núi lửa và có năm cái hồ xung quanh. Chuyến đi đến Nhật Bản sẽ không trọn vẹn nếu bạn không dành thời gian tìm hiểu và khám phá về ngọn núi đặc trưng này.

(Nguồn: Sưu tầm)

Hướng dẫn người nước ngoài tìm việc ở Nhật

Khi quyết định sẽ sinh sống tại Nhật, thì điều tiếp theo là bạn cần tìm một công việc. Đương nhiên bạn sẽ có lợi thế nếu quen biết ai đó có thể giới thiệu việc làm cho bạn. Nhưng nếu không có, thì các văn phòng việc làm công cộng của chính phủ (hay còn gọi là Hello Work) sẽ là công cụ tìm kiếm việc làm khá tốt dành cho bạn. Bài viết này sẽ giới thiệu một số mẹo giúp người nước ngoài tìm việc bằng cách sử dụng Hello Work và thêm một số thông tin hữu ích khác.



 Trung tâm Hỗ trợ và Hướng dẫn việc làm cho Người nước ngoài ở Shinjuku (Tokyo)

Trung tâm ở Kabukicho này dành cho tất cả những người tìm việc thuộc các trường hợp sau:

- Người không mang quốc tịch Nhật Bản, có visa được phép lao động: ví dụ: vợ/chồng là người Nhật Bản hoặc người cư trú hợp pháp ở Nhật trong một thời gian dài.

- Sinh viên nước ngoài muốn tìm việc làm bán thời gian.

- Người không mang quốc tịch Nhật Bản có visa chuyên ngành, ví dụ: working holiday visa – 1 loại visa theo chương trình hợp tác giữa các quốc gia cho phép bạn đi du lịch và có thể làm việc.

Trung tâm cung cấp dịch vụ tư vấn và giới thiệu việc làm. Các nhân viên của trung tâm sẽ liên hệ với các doanh nghiệp phù hợp với mong muốn của bạn, sắp xếp một cuộc hẹn cho bạn. Có thông dịch viên tiếng Anh và tiếng Trung. Các dịch vụ phiên dịch phải đặt trước một ngày. Ngoài ra, hãy nhớ mang theo thẻ cư trú (hoặc thẻ ngoại kiều – thẻ đăng ký tạm trú của người nước ngoài) và hộ chiếu.

Trung tâm hỗ trợ và hướng dẫn việc làm cho người nước ngoài ở Shinjuku (Tokyo)

Địa chỉ: Văn phòng Kabukicho, Tầng 1, toà nhà Hello Work Shinjuku, 2-42-10 Kabukicho, Shinjuku-ku, Tokyo

Điện thoại: 03-3204-8609

Trung tâm giới thiệu việc làm cho người nước ngoài Tokyo

Trung tâm này dành cho tất cả những người tìm việc thuộc các trường hợp sau:

- Người có visa làm việc như: Kỹ sư, Chuyên gia về nhân loại học hoặc dịch vụ quốc tế

- Những người có visa diện tay nghề và visa trợ giảng.

- Sinh viên có visa muốn làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.

Trung tâm chuyên tư vấn và giới thiệu việc làm. Ở trung tâm này có tất cả thông tin việc làm (được thu thập từ các cơ sở dữ liệu Hello Work trong tất cả các thành phố) cho những người có visa lao động. Ngoài ra, các sự kiện như các buổi phỏng vấn, các buổi giới thiệu thông tin công ty, hội thảo việc làm cho người nước ngoài được tổ chức thường xuyên. Có thông dịch viên tiếng Anh và Tiếng Trung.

Trung tâm giới thiệu việc làm cho người nước ngoài Tokyo

Địa chỉ: 21st Fl Odakyu Daiichi Seimei Bldg, 2-7-1 Nishi Shinjuku, Shinjuku-ku

Điện thoại: 03-5339-8625

Trang web: http://tokyo-foreigner.jsite.mhlw.go.jp/english.html

Các khóa học đào tạo việc làm cho người nước ngoài (Toàn quốc)

Các cuộc hội thảo miễn phí được tổ chức cho vợ/chồng hoặc con của người Nhật Bản, thường trú nhân của Nhật Bản, vợ/chồng của thường trú nhân và người có thị thực cư trú dài hạn nằm trong dự án của Bộ Y tế, Lao động & Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Những cuộc hội thảo cung cấp các lớp học tiếng Nhật cho người mới bắt đầu, là những người mong muốn làm việc nhưng gặp khó khăn do thiếu kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật. Ngoài các bài học về ngôn ngữ, các lớp học còn tập trung vào cách đọc tin tuyển dụng, viết CV, phỏng vấn xin việc và cách cư xử ở nơi làm việc. Trong năm 2015, các cuộc hội thảo đã được tổ chức tại 15 tỉnh (Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Ishikawa, Nagano, Gifu, Shizuoka, Aichi, Mie, Shiga và Osaka) với hơn 4000 người tham gia. Đăng ký tại các chi nhánh của Hello Work. Đây sẽ là sự trợ giúp tuyệt vời cho người nước ngoài muốn tìm một công việc phù hợp.

Trang web: http://sv2.jice.org/e/jigyou/tabunka_gaiyo.htm

Trung tâm giới thiệu việc làm cho người nước ngoài và Khu vực giới thiệu việc làm cho người nước ngoài (Toàn quốc)

Hai cái tên nghe rất giống nhau, nhưng “Trung tâm giới thiệu việc làm cho người nước ngoài” ở Nagoya và Osaka khác so với các trung tâm ở Tokyo đã đề cập trước đó. “Khu vực giới thiệu việc làm cho người nước ngoài ” nằm bên trong văn phòng chi nhánh Hello Work tại các thành phố lớn của Nhật Bản. Ở hầu hết các chi nhánh của Hello World đều có thông dịch viên của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hãy kiểm tra ngày có thông dịch viên cho ngôn ngữ của bạn trước khi đến. Ví dụ, thông dịch viên các ngôn ngữ sau sẽ giúp bạn tư vấn việc làm tại Hello Work ở thành phố Yokohama: Thứ hai: tiếng Anh, thứ ba: Tiếng Trung, Thứ Tư: Tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Trung.

Trung tâm giới thiệu việc làm cho người nước ngoài ở Nagoya

Địa chỉ: 12F Chunichi Bldg. 4-1-1 Sakae, Naka-ku, Nagoya-shi

Điện thoại: 052-264-1901

Trang web: Nagoya Employment Service Center for Foreigners

Trung tâm giới thiệu việc làm cho người nước ngoài ở Osaka

Địa chỉ: 16F Hankyu Grand Bldg. 8-47 Kakuda-cho, Kita-ku, Osaka

Điện thoại: 06-7709-9465

Trang web: Osaka Employment Service Center for Foreigners

 Chương trình JET

Nếu bạn quan tâm đến việc giảng dạy tiếng Anh tại các trường ở Nhật Bản, thì chương trình JET (được quản lý bởi chính phủ) có thể là một cơ hội tuyệt vời cho bạn. Một ứng viên đáp ứng được các điều kiện như “cư trú tại Nhật Bản ít hơn 6 năm”, vượt qua vòng kiểm tra và phỏng vấn có thể được nhận vào làm ở vị trí trợ giảng. Công việc này cung cấp cả chi phí nhà ở và bảo hiểm. Chương trình JET cũng có một vài vị trí nhỏ về quan hệ quốc tế hoặc điều phối viên thể thao. Nhìn chung, bạn cần phải đăng ký trước khi bạn rời khỏi đất nước mình và đến Nhật Bản sau khi được xác nhận, nhưng bạn cũng được phép đăng ký ở Nhật Bản. Có một số bất tiện như: Đơn xin việc và phỏng vấn xin việc phải được thực hiện tại văn phòng ngoại giao Nhật Bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc làm ổn định và phúc lợi tốt hoàn toàn chiếm ưu thế so với tất các các thủ tục rườm rà đó. Sẽ có một hợp đồng được điều chỉnh hàng năm và có thể được gia hạn tối đa 5 năm.
Website: The Japan Exchange and Teaching Program

Trang web tìm kiếm việc làm cho giáo viên tiếng Anh

Các trường ngoại ngữ nhỏ vẫn sử dụng giáo viên ở Nhật Bản. Ngoài ra, các buổi học được tổ chức tại những quán cà phê đang trở nên phổ biến thời gian gần đây. Kiểm tra danh sách công việc ở các trang web dưới đây:

jobsinjapan.com

Japan English Teacher

ELT news.com
(Nguồn: Isenpai)

Top